Xứ Đoài những sắc màu - Kỳ 1: Đường lên non Tản | Thời đại mới

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Xứ Đoài những sắc màu - Kỳ 1: Đường lên non Tản

Với chất liệu là các bài báo, chia sẻ trên các blog, Mr. Tuyên xin được mạn phép đăng (trích đăng) giới thiệu đến những độc giả có sở thích khám phá những vùng đất Xứ Đoài.

Ca dao xưa đã từng ca ngợi:
Nhất cao là núi Ba Vì.
Nhất sâu là vũng Thủy Tiên Tuần Vường.

Hoặc:

Nhất cao là núi Ba Vì,
Thứ ba Tam Đảo thứ nhì Độc Tôn.

anh1.jpg
Phong cảnh Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt
Núi Ba Vì có ba ngọn cao chót vót. Ngọn giữa cao nhất tục gọi núi Ông, ngọn phía đông tục gọi núi Bà và núi Cha ở phía tây soi bóng xuống sông Đà. Các nhà địa chất giải thích núi Ba Vì là đợt cuối của sơn khôi chảy từ miền Tây Bắc xuống, được hình thành cách đây hơn 300 triệu năm. Núi có điệp vân thạch, đá hoa cương… Núi Ba Vì dốc đứng về phía tây và sườn đông thoai thoải. Trong núi có nhiều lâm sản và giống thú quý. Sử sách từng ghi trên núi có giống cỏ vô phong (không có gió mà cỏ vẫn lay động) là một loại thuốc quý. Các nhà sử học, dân tộc học bảo vùng chân núi Ba Vì là “địa bàn gốc của người Việt - Mường”, nói rộng hơn đó là vùng đất Tổ nằm kẹp giữa hai sườn núi Tản Viên (Ba Vì) - Tam Đảo mà sau khi có Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội thì miền đó gọi là xứ Đoài - Sơn Tây - quê hương của Quang Dũng “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm…”. “Mây bao giờ cũng tụ ở Ba Vì như hình cái tán vì thế mà có tên gọi Tản Viên” (lời Giáo sư Trần Quốc Vượng).

Ba Vì là vùng đất thiêng gắn liền với huyền thoại Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh, biểu tượng cho sức sống vươn lên mãnh liệt của người Việt cổ. Nay ở đỉnh núi Ông (cao 128m) có đền thờ Tản Viên Sơn Thánh là vị Tổ của bách thần nước ta. Đền được khởi dựng vào thời Bắc thuộc, trùng tu vào đời Đường Ý Tông (860-874) và dựng lại vào thời Lý Thần Tông (1073-1128); đền Trung ở sườn núi xây từ đời Lý, sau này dưới triều vua Minh Mạng được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu; đền Hạ ở chân núi cũng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Năm 1835 và 1836 khi triều Nguyễn cho đúc cửu đỉnh đặt trong Đại Nội của kinh thành Huế, vua Minh Mạng cho khắc hình núi Ba Vì lên thành của đỉnh Thuần. Năm 1850, vua Tự Đức đã cho ghi sự tích thánh Tản Viên vào điển lễ phụng thờ.

Trong dân gian vẫn truyền tụng vị thần núi Tản Viên linh ứng lắm. Đầu thế kỷ XX, sách “Nam hải dị nhân” nhà Nho Phan Kế Bính viết: “Phàm khi nào đảo mưa cầu tạnh cũng thường ứng nghiệm. Ai nhờn nhỡ đến thì có tai nạn ngay. Mỗi khi tạnh trời thần thường hiện hình chơi các nơi khe suối, có đám mây phủ như hình cái tán quạt. Khi nước Nam nội thuộc nhà Đường, Cao Biền sang làm đô hộ thường dùng pháp thuật để trấn áp bách thần. Khi Cao Biền dùng lễ vật rất trọng hậu để cúng thần Tản Viên thì thần cứ bình thản cưỡi ngựa trắng ngồi trên đám mây nhỏ mà bay đi. Cao Biền than rằng: “Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được”. Quan hàn lâm Nguyễn Sĩ Cố đời Trần khi có việc qua đền, ngài vào đền lễ khấn rồi đề một bài thơ:

Non ngất thần thiêng lẫm liệt thay,
Động lòng đã thấu tới cao dày
Mỵ Nương cũng hiển oai linh lắm
Xin giúp thư sinh một chuyến này.
Ngày trước ở phương Cổ Vũ, huyện

Thọ Xương, giữa thành Thăng Long cũng có đền thờ  “Đức thánh Tản”. Một danh sĩ có bài thơ vịnh cảnh:
Tản Viên rực rỡ chiếu Thăng Long.
Một đóa mây hồng đỡ Thánh cung.
Đêm ngắm trời Tây trăng non lặn,
Núi cao mấy ngọn ngất tầng không.

Trước năm 1945, Ba Vì là khu rừng cấm. Ở độ cao 400 và 600m người Pháp đã cho xây dựng một số biệt thự làm nơi nghỉ mát. Ngày nay, Ba Vì là một trong mười vườn quốc gia của cả nước. Vườn quốc gia Ba Vì rộng 500ha, có rừng nguyên sinh bảo tồn 800 loài thực vật quý. Khí hậu Ba Vì mát mẻ, trong lành. Vào mùa hè nhiệt độ nơi đây thấp hơn ở đồng bằng từ 6 đến 7độC.

Đến Ba Vì vào ngày giữa mùa xuân sẽ có cảm giác khoan khoái và thú vị. Dường như cả ngày, nơi đây mờ ảo qua sương và mưa bụi. Đường nhựa, vườn cây luôn được mưa tắm gội sạch như ly như lau. Từ khu nhà nghỉ ở độ cao 400m được xây cất khá đẹp, hài hòa với cảnh quan, du khách có thể đi bộ thư giãn hoặc ngồi xe ô tô đi 8km nữa là tới độ cao 1.200m. Từ đây, sau ít phút nghỉ ngơi, theo con đường mòn tựa như đường Trường Sơn năm xưa, đi lên 600m nữa là tới đền Thượng. Đền Thượng đơn sơ dựng ngay bên vách đá, nơi có bát hương và pho tượng của thần. Năm 1993 đền mới được trùng tu. Trên ban thờ có đặt ngai và bài vị “Tản Viên linh thần”. Từ đền đi thêm 50m nữa là tới đỉnh Ba Vì, nơi đặt ban thờ và bát hương bằng đá thánh Mẫu, mẹ của thánh Tản Viên. Đứng trên đỉnh Ba Vì nơi có rừng trúc và những cây trắc xanh phô bày sức sống bền bỉ, nhìn qua lớp sương mù đang ngùn ngụt bốc lên từ các hẻm núi, qua ánh nắng lấp loáng, nước non kỳ vĩ hiện lên thật hấp dẫn: sông Đà, bãi cát, xóm dân, ruộng đồng và đằng xa kia là trung tâm thành phố.

Núi Tản Viên, chốn địa linh đã ăn sâu vào tình cảm thiêng liêng của người dân Việt. Hằng ngày, có hàng nghìn người đủ các tầng lớp đến nghỉ và thắp hương tưởng niệm công của vị tổ của bách thần nước Việt. Không chỉ có thế, hiện nay Ba Vì còn là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần khá lý tưởng cho khách thập phương.
Theo Hà Nội Mới
Còn nữa .....