Xứ Đoài những sắc màu - Kỳ 3: Đỉnh Ba Vì và Thần núi Tản Viên | Thời đại mới

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Xứ Đoài những sắc màu - Kỳ 3: Đỉnh Ba Vì và Thần núi Tản Viên

1. Các đỉnh núi – Đền Thượng – Đền thờ Bác Hồ
Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh) canh giữ cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt. Trong Tứ bất tử (Thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Công chúa Liễu Hạnh) thì nhân dân ta coi Thần Tản Viên là linh thiêng nhất, Đền Thượng trên đỉnh Tản Viên là ngôi đền rất linh thiêng, nhân dân truyền nhau rằng ai có điều gì muốn cầu xin Thần Tản Viên đều có ứng nghiệm.

“Thứ nhất đỉnh Vua, Thứ hai đỉnh Mẫu, Thứ ba đỉnh Nàng”. Dãy núi Ba Vì có ba ngọn, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua, cao 1296m. Đỉnh giữa là đỉnh Tản Viên, cao 1281m. Đỉnh thứ ba là đỉnh Ngọc Hoa, cao 1120m.
Từ cổng Vườn Quốc gia Ba Vì phải đi 14km đường đèo thì đến một bãi đất rộng bằng phẳ ng có thể đỗ ô tô loại nhỏ.  Rẽ phía bên phải, đi bộ 500 bậc đá dẫn đến đền Thượng, đỉnh Mẫu –  nơi thờ Sơn Tinh.
Ngọn núi nổi tiếng nhất là Tản Viên (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn), gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘),còn chữ Viên có nghĩa là tròn. Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Đức Thánh Tản.
Năm 1993 đền Thượng đã được xây dựng lại ngay dưới chân vách núi đá dựng đứng dưới đỉnh Tản Viên, mà người ta cho rằng trên dấu tích của ngôi đền cổ xưa. Đền Thượng được xây theo hướng Bắc-Nam, cửa đền trông về phương nam. Bên trong đền phía trên chính điện có bức hoành phi ghi bốn chữ đại tự: “Tản Lĩnh Linh Thần”. Hai cột bên ngoài có đôi câu đối: “Núi Tản tựa trời cao, ba đỉnh lừng danh từ vạn cổ;  Sông Đà trừ thác dữ, một dòng rực sáng đến mai sau”.
Đền Thượng là nơi thờ tam vị thánh, chính giữa là nơi thờ Đức Thánh Tản, hai bên là hai tướng giỏi của Ngài là Cao Sơn và Quý Minh (cũng là hai người em họ của Ngài). Những năm gần đây, người ta phối thờ thêm Đức Thánh Trần ở bên phía phải ngôi đền.
Từ đền Thượng đi theo một con đường nhỏ, ta leo lên một hẻm núi nhỏ nhờ những bậc thang và hàng lan can tay để lên đỉnh Mẫu. Theo truyền thuyết, xưa trên đỉnh Mẫu có một bàn cờ tiên, nay không còn thấy dấu tích. Người ta xây một cây hương với cỗ ngai thờ, rồi chuông và tượng… Đứng tên đỉnh Mẫu, những ngày đẹp trời có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của đồng bằng Bắc Bộ với những dòng sông Đà, sông Tích chảy quanh, những cánh đồng lúa xanh tốt trù phú, những làng quê yên ả với những nếp nhà ẩn hiện sau luỹ tre làng…
Từ bãi đỗ ô tô rẽ trái, tiếp tục trèo 779 bậc đá phía Tây lên viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh Vua. Ngôi đền thờ Bác Hồ được xây dựng năm 1999, trong đền có tượng Hồ Chí Minh làm bằng đồng.

 Ba Vi.JPG
Một phần đỉnh núi Vua trong dãy núi B

Ngoài  đỉnh Tản Viên và đỉnh Vua, trên Ba Vì còn có các núi cao là Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi, Ngọc Hoa (đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ XVIII được gả cho Sơn Tinh.
Ở độ cao 400m và 600m là hai khu nghỉ mát do Pháp xây dựng từ năm 1940. Tại khu vực này, hiện nay có tới 200 biệt thự và khách sạn.
Thăm vườn quốc gia Ba Vì, du khách có thể leo lên các đỉnh núi như đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa. Từ đây có thể quan sát cả một vùng đồng bằng rộng lớn với đồng ruộng, thành phố, làng mạc, sông hồ. Sông Đà uốn lượn quanh chân núi ở phía tây, hồ Suối Hai mênh mông trải rộng ở phía đông tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Những ngày quang mây nắng đẹp, khoảng ba, bốn giờ chiều, khi mặt trời chênh chếch hướng Tây, đứng ở đây có thể nhìn thấy rất rõ toàn cảnh thủ đô, trong đó, nổi bật những khối nhà chung cư hiện đại Linh Đàm, Nhân Chính đến hàng loạt cao ốc ở trung tâm.
2. Sự Tích Thần Núi Tản Viên
Ngày xưa, có một người tiều phu cứ sáng tinh mơ thì vác búa vào rừng đốn củi. Mọi lần, anh chặt một ít cây khô ở rừng, được nặng gánh thì trở về; nhưng lần này anh định chặt thêm một cây gỗ cứng để đem về chống túp lều tranh, nên anh phải đi vào rừng sâu. Ðang đi, anh chợt nghe có tiếng tre khóc. Anh đứng lại nghe xem tiếng khóc ấy ở đâu đưa lại thì thấy ở phía trước mặt, dưới một lùm cây to, có một con dê rừng rất lớn đang lấy chân trước bới một đống cỏ khô, tiếng tre khóc ở đống cỏ đưa ra.
Người tiều phu rón rén đến nấp sau một gốc cây lớn ở gần xem con dê làm gì. Con vật bới đống cỏ rất nhẹ nhàng, lòi dần ra một đứa trẻ còn đỏ hỏn, bụ bẫm, rồi nó nằm xuống cho đứa trẻ bú.Ðứa trẻ rít lấy rít để bầu sữa căng, một chốc con dê đứng dậy liếm mớ tóc bờm xờm của đứa trẻ rồi chạy đi. Con dê vừa đi khỏi thì một đàn chim bay đến phủ những cỏ khô lên người đứa bé, chỉ trong chớp mắt lại bay vù cả đi.
Người tiều phu lẩm bẩm một mình: “Số mệnh đứa trẻ này thật kỳ lạ.” Anh đến bới đống cỏ khô, thì thấy là một đứa con trai. Anh bế lấy, đem về nuôi. Ðứa bé rất chóng lớn, người tiều phu chăm nom như con đẻ có một số mệnh kỳ lạ, anh đặt tên cho nó là Kỳ. Lớn lên, Kỳ rất khoẻ mạnh. Ngày ngày Kỳ vác búa theo cha nuôi vào rừng đốn củi. Một hôm, Kỳ chặt một cây lớn đến hai người ôm, chặt từ sáng tinh mơ đến nhá nhem tối mà vẫn chưa xong, nên đành bỏ dở ra về. Sáng hôm sau, đến gốc cây định chặt tiếp thì anh hết sức ngạc nhiên: Cái cây lớn chặt dở hôm qua bây giờ lại liền ruột liền vỏ như chưa có một vết búa nào chạm đến. Thấy thế, Kỳ không ngả lòng, anh lại giáng những nhát búa thật mạnh vào chỗ thân cây đã chặt hôm trước. Tuy anh gắng hết sức, nhưng đến nhá nhem tối anh vẫn chưa hạ xong cây, sáng sớm hôm sau, Kỳ lại vác búa định tiếp tục công việc còn bỏ dở thì anh thấy vết chặt hôm trước hôm nay lại liền như cũ. Anh không nản chí, lại bắt đầu chặt ,nhưng đến lúc nhọ mặt người, anh vẫn chưa chặt xong. Lần này anh không về. Anh leo lên một cây gần để rình xem ban đêm cây tự liền da liền thịt như thế nào.
Ðến nửa đêm trăng sao vằng vặc đầy trời, bỗng có một ông già chống gậy đi từ từ đến cái cây chặt dở. Ông cụ cầm gậy chỉ vào cây, trong chớp mắt vết chặt lại liền như cũ. Kỳ vội tụt từ trên cây xuống, chạy đến hỏi ông cụ:
- Tôi khó nhọc mới sắp hạ được một cây lớn, sao cụ lại phá hỏng công việc của tôi như thế?
Ông cụ đáp:
- Ta là Thái bạch tinh quân đây, ta không muốn người chặt cây cổ thụ này. Thôi ta cho ngươi cái gậy ngươi đi tìm cây nhỏ mà chặt.
Nói xong ông cụ trao cho Kỳ cái gậy chống ở tay rồi biến mất. Một hôm đi chơi men sông, Kỳ nhìn thấy con rắn lớn bị đánh dập đầu, đã chết từ lâu, Kỳ cầm gậy chỉ vào đầu rắn.Thốt nhiên rắn sống lại vẫy đuôi, ngẩng đầu lên nhìn Kỳ rồi bò xuống sông mất.
Một buổi tối Kỳ đang ngồi trong lều tranh thì một chàng thanh niên tuấn tú khăn áo chỉnh tề, đem châu báu đến tạ ơn Kỳ. Chàng xưng là Tiểu Long hầu con Long Vương ở biển Nam , bị trẻ chăn trâu đánh dập đầu chết ở bờ sông và được Kỳ cứu sống hôm nọ. Kỳ nhất định không nhận lễ vật. Chàng thanh niên có ý băn khoăn, cố mời Kỳ xuống thủy cung chơi. Chàng đưa cho Kỳ một ống linh tê để rẽ nước đi xuống. Ðược Kỳ xuống chơi, Long Vương rất lấy làm mừng rỡ, mở yến tiệc linh đình thết đãi. Ðến khi về, Long Vương đưa tiễn đủ các thứ vật lạ dưới biển, nhưng Kỳ nhất định không nhận. Sau Long Vương lấy ở tráp ra một quyển sách nói với chàng rằng:
- Ngài cứu sống con lão, lão không biết lấy gì đáp lại. Nay biếu vật gì ngài cũng không nhận, lão xin có quyển sách này tặng ngài. Dùng quyển sách này, ngài sẽ ước gì được nấy.
Kỳ nhận sách ước và trở lại trần gian. Từ đó, Chàng cầu được ước thấy, có phép biến hoá trở nên một vị thần cứu nhân độ thế. Thần đi qua cửa bể thần phù, theo dòng sông lớn, đổ ngược mãi lên, tìm nơi đất cao phong cảnh đẹp để cắm chỗ ở. Ðến một nơi thấy có một ngọn núi cao chót vót ba tầng, tròn như cái tán, thần hoá phép mở một con đường qua các động và các suối lên đỉnh núi và hoá phép thành lâu đài để ở. Khi đã định cư rồi thần thường xuống núi đi xem khắp phong cảnh đẹp và dùng phép cứu nhân dân rất nhiều. Ngọn núi thần ở là núi Tản Viên, nên người ta gọi thần là thần Tản Viên hay Sơn Tinh.
3. Chuyện Sơn tinh – Thủy Tinh
Sơn Tinh người động Lăng Sơn, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây. Bố là ông Nguyễn Cao Hạnh, mẹ là Đinh Thị Điên. Khi ông Hạnh 70 tuổi, bà Điên cũng đã hơn 50 mới sinh được con trai tướng mạo phi phàm, hình dung tuấn tú, dáng người hiên ngang khôi ngô gấp vạn người thường, đặt tên là Nguyễn Tuấn.
Lên sáu tuổi, bố mất, Nguyễn Tuấn đổi tên là Nguyễn Huệ. Năm lên bảy tuổi. mẹ con dắt nhau lên núi Ngọc Tản ngụ cư. Nguyễn Huệ được Ma Thị chủ núi Ngọc Tản nhận làm con nuôi, sau đổi tên thành Nguyễn Chiêu Dung. Một năm sau, mẹ mất Nguyên Chiêu Dung ở lại Ngọc Tản cùng Ma Thị. Một hôm Chiêu Dung vào rừng chặt phải cây thần gặp Sơn Tinh đại thần tên gọi Tinh Thần Tử Huy thiên tướng, được trao cây gậy đầu sinh đầu tú để cứu giúp đời. Từ đó, Nguyễn Chiêu Dung tự xưng thần sư, thường đi ngao du thiên hạ. Một hôm trên đường đến châu Trung Độ (còn gọi là châu Trường Sa), xã Ma Xá, ông bỗng thấy trẻ con chǎn trâu xúm đánh một con rắn bèn bỏ ra ba mươi đồng mua lại con rắn rồi dùng gậy thần cứu rắn. Rắn đen vốn là Thủy Tinh con trai Long Vương. Cảm tạ công ơn cứu Thủy Tinh, Long Vương ban cho Sơn Tinh sách ước.
Lúc bấy giờ, vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) đóng đô ở Việt Trì sông Bạch Hạc, lấy hiệu nước Văn Lang, thủ đô là Phong Châu. Vua Hùng mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mỵ Nương Ngọc Hoa. Nghe tin, Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng xin được diện kiến.
Vua cả mừng bèn ngự giá sông Bạch Hạc xem tỷ thí. Lúc bấy giờ, Sơn Tinh đến đầu sông. Thuỷ Tinh trở về đáy sông. Khoảnh khắc bỗng thấy dòng sông mây mưa nổi lên. sóng cồn cuồn cuộn, ào ào gió cuốn, cá rùa lớp lớp, kình ngư vạn dặm, trời đất mịt mù, thiên hình vạn trạng xuất quỷ nhập thần. Người ngoài nhìn vào kinh hồn lạc phách. Sơn Tinh bèn tay trái cầm sách, tay phải cầm gậy, miệng niệm thần chú, tay chỉ một cái, bỗng thật kỳ quái, hốt nhiên ngũ nhạc bay đến giữa sông, núi cao vạn trượng, thú rừng chạy đến tấn công Thủy Tinh. Một tiếng trống nổi lên giữa sông, quân thủy tan tành, tiêu biến một cách huyền diệu.
Vua không biết gả công chúa cho ai bèn xa giá về cung rồi triệu hai vị Sơn Tinh và Thủy Tinh triệu kiến bảo rằng: Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam Điều (một con gái) trước chưa kén được rể, nay cả hai khanh đều là anh hùng, không biết gả cho ai. Vậy ai có thể đem sính lễ đến trước thì trẫm gả con gái cho.
Sơn Tinh nhờ có sách ước chuẩn bị xong lễ vật đến đón công chúa trước. Thủy Tinh đến sau, nổi giận dâng nước tiến đánh Sơn Tinh. Do có sách ước lại có phép thuật bí mật của thần tiên cho nên Thủy Tinh không sao hại được. Đất nước được thanh bình.
Nguồn: http://buithetam.wordpress.com
Còn nữa ...