Xứ Đoài những sắc màu - Kỳ 8: "Tắm tiên" trong... bồn nước nóng | Thời đại mới

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Xứ Đoài những sắc màu - Kỳ 8: "Tắm tiên" trong... bồn nước nóng

Ghi chú: có thể bài viết này không phù hợp với bạn. Xin dừng đọc bài viết ở đây.

Người bạn ở Ba Vì biết tôi đang trên đường đi Thuận Mỹ, đã cười khoái trá: “Ông đến Thuận Mỹ là đến với cõi… tiên đó”. Sao lại là cõi tiên ở miền xứ Đoài mây trắng này?

`Tắm tiên` trong... bồn nước nóng
 "Tiên" chạy lả lơi khắp làng
Tôi gặng hỏi thì cậu bạn úp mở “thì ông cứ đến đi rồi sẽ biết. Ở đó toàn tiên, mà là tiên bằng da bằng thịt chứ không phải tiên trong truyền thuyết giáng trần đâu. Ông tin hay không thì tùy…”.
“Ở đây có… tiên”
Lời giới thiệu của người bạn khiến tôi tò mò. Tôi từ thành phố Sơn Tây “phi” một mạch hơn 30km đến Thuận Mỹ sau nhiều lần hỏi thăm đường. Tỉnh lộ 86 rẽ vào xã Thuận Mỹ càng đi càng vắng. Đường nhựa thênh thang, bóng cây rừng rợp mát càng làm cung đường trở nên hư ảo dưới bóng mây chiều sơn cước.
Cây cỏ ở đây như được tiếp thêm sức mạnh của không khí trong lành của núi đồi non Tản, nó càng trở nên thơ mộng và thanh bình. Mặc dù cột số báo Thuận Mỹ 12km nữa nhưng tôi vẫn phải dừng xe hỏi khi phát hiện trước mắt có người đàn bà chít khăn kín mít đang phát cỏ chè bên đường.
“Chị cho em hỏi đến Thuận Mỹ?”. “Chú cứ đi thẳng khi nào đến bờ đê nhìn thấy cây đa cổ thụ đầu làng thì đó là Thuận Mỹ”. “Có phải ở đó có…”. “Đúng rồi”. Tôi chưa nói hết câu nhưng người đàn bà có vẻ đã hiểu ý và chỉ đường cho tôi với vẻ gượng gạo khác thường trên ánh mắt chất phác.
Vẫn còn đó cái dáng làng cổ kính của miền quê xứ Đoài. Cây đa đầu làng sừng sững tỏa bóng rợp mát cho Thuận Mỹ. Có lẽ đây là nét duy nhất để khắc họa sự mộc mạc cho miền quê này.
Người đến Thuận Mỹ lần đầu tiên sẽ tự hỏi, miền quê xa nằm bên bờ dòng sông Đà quanh năm thác đổ ầm ào sao, lại xuất hiện nhiều nhà nghỉ đến thế. Những nhà nghỉ máy lạnh chạy ro ro ngày đêm nằm san sát, lấn cả ruộng ngô, bãi khoai màu mỡ của những người nông dân thuần phác.
Trong bản đồ du lịch, Thuận Mỹ, Ba Vì không phải là địa danh du lịch tiếng tăm. Vậy những khối bê tông khang trang trưng biển nhà nghỉ lòe loẹt kia dành cho người làm đồng mệt mỏi nghỉ ngơi sau những giờ lao động vất vả ngày mùa?
Xưa kia, khi Thuận Mỹ còn nghèo, xóm làng trọng việc học hành, lễ nghĩa. Cái tiếng giữa làng đối với họ là điều cao cả hơn tiền bạc và những vật chất giá trị khác. Giá trị văn hóa đạo đức ở Thuận Mỹ giờ đây đã bị thương mại hóa.
Từ đầu làng đến cuối ngõ ở Thuận Mỹ, từ nhà tranh mái lá lạc hậu đến nhà cao tầng tân tiến đều treo: những tấm biển mời gọi du khách “vào gặp tiên”, “tiên tản non sa”… Những tấm biển như vậy được treo kệch cỡm.
`Tắm tiên` trong... bồn nước nóng
 Từ đầu làng đến cuối làng đều có dịch vụ “tắm tiên”
Màu biển xanh xanh hồng hồng, với những dòng chữ mời gọi và hình ảnh những “cô tiên tóc nâu môi trầm” lả lơi, đêm cũng như ngày đèn màu nhấp nháy như thị tứ phồn hoa ở xứ nào đó chứ không phải vùng quê dưới Tản non viên nữa. Từ đường làng đến ngõ xóm đâu đâu cũng là biển quảng cáo “Tắm tiên nước nóng… bỏng. Các nàng tiên sẽ đưa “vương gia” vào dòng nước khoáng thiên nhiên 40 độ C”.
Sự đón tiếp chuyên nghiệp khiến tôi không khỏi hoang mang bởi những tiếng cười khúc khích của đám trẻ chăn bò bên triền đê sau lời hỏi thăm của tôi… Chủ nhân của những nhà nghỉ khang trang ấy là những người có lắm tiền của từ thành phố về đây xây dựng. Chính họ là những người mang cái “hồn phố” của nơi phồn hoa về vùng thôn dã này.
Tiên sa… bồn nước nóng
Từ đầu làng đến cuối làng, qua mỗi ngôi nhà lại có người ngó đầu ra vẫy: “đây cơ mà, đây anh ơi!”. Đang đứng trên triền đê sông Đà, chiêm ngưỡng phía bờ bên kia là địa danh Thanh Thủy, Phú Thọ, thì một người đàn ông chạy đến vồn vã: “Này chú, vào tôi đi, nhà tôi nước nóng hơn bên Thanh Thủy nhiều, đảm bảo cho chú sảng khoái, nếu không đồng ý chú cứ thay đổi khi nào vừa lòng thì thôi, “tiên” nhà tôi tha hồ… chọn. Đi, nào đã về đến đây rồi, ở nơi khác làm gì có như ở đây. Chú cần sẽ có 3, 4 “tiên” tắm cho chú một lúc luôn”.
Trong căn nhà mái ngói khang trang, cả hai vợ chồng trông rất thuần phác giới thiệu về “tiên nữ” hiện đang có trong nhà mình. Bên dãy phòng kế bên cửa đóng then cài, tiếng nước xối xả hòa lẫn tiếng cười khúc khích bên trong. 6 phòng bồn đều đóng kín cửa.
Chị vợ đon đả ra đầu nhà bẻ chùm nhãn mang vào mời khách: “Chú uống nước đi rồi ăn hoa quả, cây nhà lá vườn nom thế mà ngọt lịm”. Một lúc sau, cánh cửa phòng mở tung, mấy cô “tiên” từ bồn nước tắm bước ra, quay đầu rũ nước trên mái tóc.
`Tắm tiên` trong... bồn nước nóng
Cuộc sống hiện đại đang phá vỡ không gian tĩnh mịch ở làng quê
Mấy người đàn ông bước theo sau, đầu tóc ai nấy nhỏ từng giọt nước xuống vai áo khô. Ngoài sân, một cụ già vẫn đang băm rau lợn từ khi tôi vào đến giờ. “Em vào tắm đi, tiên nữ sẽ tắm cho em, em sẽ hết mệt”.
“Nước nhà anh không nóng thì phải”. “Có. Em không pha nước mát có khi bỏng không chịu được ấy chứ”, “Lan, Thủy, Hạnh… đâu vào đây em”. Cả ba cái tên vừa được chủ hô liền vào bên bàn tôi đang ngồi. “Đấy! Em thích “tiên” nào thì vào, hay cả 3 đi để các cô ấy tắm cho sạch”.
“Các em cứ ngồi uống nước đi, tôi đi đường xa giữa trời nắng hơi mệt, sợ cảm lắm, để tôi nghỉ ngơi đã”. Thật ra, những cái tên mỹ miều ngồi cạnh tôi bây giờ thì chỉ để gọi thôi, chứ chắc chắn chả phải tên cha mẹ đặt cho.
Tôi nhìn một cô gái khuôn mặt hiền lành có tên Thủy: “Em ngồi xuống đây đi”. Thủy nhẹ nhàng rót nước mời tôi. Đôi tay của Thủy khiến tôi giật mình. Nó không còn là đôi tay của người con gái tuổi đôi mươi nữa, mà nhăn nheo như đôi tay của bà cụ già vừa rút lên từ ruộng cấy mùa đông giá.
Tôi hỏi cô từ vùng nào tới, Thủy không nói nhưng chất giọng còn lơ lớ cũng khẳng định được em đến từ vùng quê nào rồi. “Tôi đi đường xa, không dám tắm, sợ bị cảm. Tôi ở xuôi lên làm dự án, và sẽ còn làm ở đây nhiều ngày, em cho tôi xin số điện thoại, nếu tối rảnh tôi có thể mời em ra uống nước mía dưới gốc đa đầu làng”.
Cách đây ít hôm, tôi trở lại Thuận Mỹ đã gọi cho Thủy và cô đã nhận lời ra quán nước mía. “Anh lạ nhỉ, sao anh có vẻ quan tâm đến người như bọn em. ở đây người ta đến rồi về nhưng chẳng ai hỏi han kỹ như anh cả” - Thủy thắc mắc. Rồi cô gái kể: “Em đã có chồng con, quê em nghèo nên em bỏ con cho bà nói dối chồng đi làm ở ngoài Hà Nội.
Làm cái này cũng khổ lắm, nhưng vẫn phải chấp nhận vì em chẳng biết làm gì hơn để có tiền nuôi chồng con. Mỗi ngày tắm cho khách cũng được vài trăm ngàn đồng. Đấy là em khỏe, chứ ai mà yếu chỉ tắm được cho 3, 4 người một ngày thôi. Ngâm nước suốt ngày, người bã như vắt giẻ, nước làm rụng  tóc, da tay chân như người chết nước.
Con gái bọn em ngâm nước như thế, bệnh phụ nữ khó lòng chữa trị được, có khi lở loét hết”. Thủy cho biết: “Cách đây vài tuần có một chị đến đây làm đã phải mang theo cả đứa con nhỏ 6 tháng tuổi gửi chủ nhà. Vừa làm, vừa nuôi con được chưa đầy một tháng đã bị ốm, về quê rồi”.
Phận  làm kiếp mua vui cho người là vậy. Lạc vào cõi làm “tiên” này có phải ai cũng làm người tội lỗi? Đến Thuận Mỹ nếu có nhu cầu có thể ới một tiếng lập tức 10 “tiên nữ” kỳ cọ cho từng kẽ chân… lông, vui đùa thỏa thích trong bồn tắm nước nóng được khơi hút từ lòng đất sâu tới cả nghìn mét.
5 năm trở lại đây, khi Thuận Mỹ du nhập thú “tắm cho khách mời” thì miền quê này không còn bình lặng nữa. Tệ nạn đã đẩy làng quê thôn dã vào chốn ăn chơi.
Đi từ đầu làng đến cuối làng, người ta khó bắt gặp hình ảnh  thôn nữ gánh nông sản ngày mùa, nhưng dễ dàng thấy các “tiên nữ” lượn qua, lượn lại, đứng gọi khách. Nhà nhà có “tiên nữ, người người đón khách cho tiên nữ tắm”. Cái  gọi là nghề mà không phải nghề ấy nó được người thành phố mang về đây đã đánh bật được cả nghề làm nông nghiệp cố hữu.
Tất cả những quy chuẩn của đạo đức, của văn hóa mà ngàn đời nay vun đắp hình như không còn ý nghĩa ở miền quê Thuận Mỹ này nữa. Luồng gió đen được du nhập từ chính người thành thị đã làm xói mòn hồn quê nơi đây.
Theo An Ninh Thủ Đô
Còn nữa ...